Theo số liệu thống kê về sức khỏe răng miệng năm 2017, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh nha chu cao nhất vùng châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một bệnh lý gây mất răng phổ biến ở người trưởng thành.
Vậy, viêm nha chu là gì, làm thế nào để biết mình có mắc viêm nha chu hay không? Bệnh lý này nếu không điều trị kịp thời thì có nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng không? Cùng Nha khoa Tenshi tham khảo qua bài viết dưới đây nhé:
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu
Khi răng miệng không được vệ sinh đúng cách, mảng bám trên răng tích tụ và dần khoáng hóa trở thành cao răng (vôi răng) với lượng vi khuẩn ngày càng tăng. Các độc tố do vi khuẩn tạo nên sẽ gây viêm lợi, phá hủy mô nâng đỡ răng khiến lợi không còn bám chắc vào chân răng. Lúc này, cấu trúc nha chu bị ảnh hưởng tiến triển thành viêm nha chu.
Có nhiều yếu tố dẫn đến viêm nha chu, trong đó các nguyên nhân phổ biến thường được kể đến như:
- Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng không tốt.
- Sức đề kháng yếu, phụ nữ có thai.
- Hút nhiều thuốc lá.
- Người mắc các bệnh như tiểu đường, HIV/AIDS, nhiễm trùng,…
2. Các triệu chứng của bệnh
Người mắc phải viêm nha chu thường có các triệu chứng sau:
- Chảy máu khi chải răng.
- Lợi sưng đỏ, dễ chảy máu.
- Chân răng suy yếu, răng lung lay.
- Mảng bám và vôi răng nhiều bám trên bề mặt răng, nhất là vùng cổ răng.
- Xuất hiện túi nha chu chảy mủ hoặc dịch.
- Tụt nướu làm lộ chân răng, hơi thở có mùi hôi.
- Tiêu xương ổ răng là dấu hiệu nghiêm trọng nhất, có nguy cơ mất răng cao.
Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn là viêm lợi và viêm nha chu. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn viêm lợi, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn. Còn nếu không, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu phá hủy các mô nâng đỡ răng sâu bên dưới lợi như xương, dây chằng nha chu. Nguy cơ mất răng khi bệnh đến giai đoạn viêm nha chu là rất cao.

3. Ảnh hưởng của viêm nha chu
Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe có thể kể đến như:
- Gây đau nhức khó chịu, nhạy cảm với thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
- Hơi thở có mùi khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp.
- Gây ảnh hưởng đến khẩu vị, ăn uống không ngon miệng, tác động xấu đến dạ dày.
- Làm chân răng suy yếu, lung lay và có nguy cơ mất răng.
- Tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh hô hấp, tiểu đường và các bệnh khác.
4. Điều trị viêm nha chu theo từng giai đoạn
Cũng như nhiều bệnh khác, viêm nha chu hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn. Kèm theo đó là các dấu hiệu cùng phương pháp điều trị chuyên biệt, gồm:
-
Giai đoạn 1: Viêm nướu
Giai đoạn đầu hình thành khi các mảng bám răng và vôi răng đóng lớp ở viền nướu, nhưng ổ xương giữ răng vẫn còn nguyên. Những biểu hiện ban đầu xuất hiện khi nướu ửng đỏ, sưng phồng và chảy máu lúc đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
Ở giai đoạn này, bác sĩ sẽ điều trị bằng phương pháp làm sạch răng, sau đó đánh bóng răng và xử lý bằng fluoride.
Làm sạch răng trong quá trình điều trị viêm nha chu ở giai đoạn đầu
-
Giai đoạn 2: Viêm nha chu
Vào giai đoạn 2, các triệu chứng thường gặp là chảy máu răng, hôi miệng và khó ăn nhai. Các mảng bám răng có chứa vi khuẩn lúc này sẽ lan vào túi nha chu khiến nướu dần bắt đầu long ra khỏi răng, ổ xương bị hư hại, túi nha chu hình thành và nướu bị tách ra khỏi răng.
Khi phát hiện, bệnh nhân cần được điều trị bằng cách làm sạch vôi răng, mảng bám dưới viền nướu. Hay còn gọi là nạo túi nha chu hoặc nạo chân răng. Quá trình điều trị sẽ phải nạo chân răng vài lần tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân.
-
Giai đoạn 3: Tiêu xương ổ răng
Người bệnh sẽ đau răng dữ dội khi nhai, bị tụt nướu và hôi miệng nghiêm trọng khi các vi khuẩn phá vỡ xương răng và mô liên kết dẫn tới tình trạng tiêu xương ổ răng. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả răng lung lay và rụng đi.
Để điều trị, bác sĩ có thể sẽ phải thực hiện phẫu thuật để hỗ trợ phục hồi mô nướu và cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng nướu.
Bệnh viêm nha chu sẽ không còn là điều đáng lo ngại nếu bạn duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt, khám nha khoa và lấy vôi răng định kỳ. Bạn theo dõi Nha khoa Tenshi để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe răng miệng nhé!
Thời gian làm việc: Thứ 2 – Thứ 7: 8h00 – 19h00 | Chủ nhật: 8h00 – 17h00
51B Phan Đình Phùng, Phường 1, TP. Đà Lạt
Hotline đặt hẹn: 0939 365 338
Comment hoặc Inbox để được tư vấn từ bác sĩ: https://m.me/Nhakhoatenshi
Zalo Nha khoa Tenshi: https://zalo.me/329388200482646404